Hotline : 0938 784 795
Thomas Keller Và Câu Chuyện Về Đầu Bếp Trứ Danh Đất Mỹ

Thomas Keller Và Câu Chuyện Về Đầu Bếp Trứ Danh Đất Mỹ

Nghệ Thuật Bếp - 20/04/2019 - 0 bình luận

Với tinh thần ham học hỏi và tình yêu đối với ẩm thực nên dù thất bại ở nhà hàng đầu tiên của chính mình, Thomas Keller vẫn không ngừng nỗ lực. Đến thời điểm hiện tại, Thomas Keller đã trở thành Đầu bếp trứ danh và sở hữu hai nhà hàng nổi tiếng.

Thế giới ẩm thực luôn ẩn chứa sức quyến rũ diệu kỳ đối với con người từ những món ăn ngon, hương vị hấp dẫn đến các câu chuyện thú vị về người Đầu bếp đã tạo ra nhiều tuyệt tác ẩm thực để chúng ta thưởng thức. Không chỉ nổi tiếng bởi nền ẩm thực đa dạng, phong phú, Mỹ còn là nơi “khai sinh” ra những tên tuổi Đầu bếp hàng đầu trong lịch sử nghề Bếp. Và sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến ẩm thực Mỹ mà bỏ qua Thomas Keller – Đầu bếp trứ danh của xứ sở cờ hoa.
 

thomas keller dau bep tru danh nuoc my
Thomas Keller – Đầu bếp trứ danh của nước Mỹ - Ảnh: Internet

Khi còn là một thanh niên, Thomas Keller dành phần lớn thời gian để học hỏi kỹ thuật nấu ăn từ các Đầu bếp, ông cũng xin làm việc tại nhiều nơi khác nhau để tích lũy kinh nghiệm cho mình. Ban đầu, ông làm tại một nhà hàng hải sản trên đảo Rhode, sau đó ông làm Đầu bếp ở Florida và Catskills rồi chuyển đến New York.

Đầu những năm 80, ông quyết định sang Pháp để học hỏi phong cách ẩm thực Pháp. Ông dùng khoảng thời gian này để cảm nhận văn hóa, xã hội, cảm xúc và tình yêu dành cho món ăn và cả mối quan hệ giữa người Bếp trưởng với nhân viên, giữa nhà hàng với người cung cấp thực phẩm. Chính từ sự cảm nhận, trải nghiệm này, ông đã tạo nên một phong cách nấu ăn “đóng dấu” Thomas Keller – Thức ăn Mỹ với lịch sử và truyền thống thấm nhuần ẩm thực Pháp.

thomas keller tu hoc tai nhieu nha hang khac nhau
Thomas Keller từng có thời gian tự học tại nhiều nhà hàng khác nhau tại Mỹ và Pháp để tạo nên phong cách ẩm thực cho mình - Ảnh: Internet

Sau khi kết thúc thời gian tại Pháp, ông bay sang La Reserve và năm 1985, ông cùng người cộng sự Serge Raoul mở nhà hàng Rakel tại trung tâm thành phố. Thực chất, Rakel là một quán café lớn chuyên phục vụ những món ăn hiện đại của Pháp và Mỹ, có một phòng ăn hiện đại với các bảng lớn, cột trắng rộng và một bức tranh hình đám mây trên trần nhà. Tháng 2 năm 1986, Rakel bắt đầu đi vào hoạt động với một thực đơn bao gồm những thứ như “Cappuccino” làm từ nước dùng nấm, monkfish nướng với khoai tây chiên tỏi, ức vịt với đậu lăng xanh và thịt xông khói…

Không chỉ là không gian thưởng thức ẩm thực, Rakel cũng chính là nơi đào tạo nên nhiều thế hệ Đầu bếp. Đầu bếp Tom Colicchio đã hồi tưởng lại quãng thời gian làm ở Rakel: “Tôi thường xuyên được khuyến khích để nghĩ ra các món mới trong quá trình phục vụ. Chạy đua với nó. Rakel luôn sẵn sàng rời xa những quy ước, những nguyên tắc bó buộc để những sáng tạo không ngừng bay cao”.

Tuy nhiên, sau đó một thời gian, nhà hàng thiếu vốn, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, ông chuyển nhà hàng sang cho Serge Raoul điều hành và hoạt động như một quán rượu. Mặc dù Rakel là một thất bại nhưng đó cũng là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Thomas Keller. Ông từng nói về kinh nghiệm mình có được khi điều hành Rakel: “Tôi đã học được rằng không quan trọng bạn là một người Đầu bếp giỏi đến đâu, quan trọng là cách tổ chức, quản lý cả một tập thể”.

Thất bại của Rakel không làm Thomas Keller chùn bước, từ những kiến thức, kinh nghiệm đã có, ông tiếp tục mở hai nhà hàng Per Se và The French Laundry. Đến thời điểm hiện tại, đây là hai nhà hàng nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ và mỗi nhà hàng đều sở hữu 3 ngôi sao danh giá Michellin.

thomas keller hien dang so huu hai nha hang o my
Thomas Keller hiện đang sở hữu hai nhà hàng nổi tiếng tại Mỹ - Ảnh: Internet

Tờ New York Times đã trích lời Bryan Miller nhận xét về Đầu bếp Thomas Keller: “Keller có một sự nhạy bén của nhà điêu khắc, những món ăn của ông được trang trí vô cùng đẹp mắt như tóm gọn lấy vị giác lẫn thị giác của thực khách”. Năm 1997, ông được nhận giải thưởng “Best Californian Chef”. Năm 2011, ông được trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Quân đoàn Pháp vì những đóng góp của mình đối với sự phát triển ẩm thực Pháp tại Mỹ.

Yêu ẩm thực, dành mọi thời gian, tâm huyết cho việc sáng tạo món ăn ngon nhưng không dừng lại trong khu bếp, Thomas Keller còn hướng đến xây dựng bản thân thành một “Đầu bếp hiện đại”. “Tôi viết sách, thậm chí đã thử làm phim, tôi thiết kế gốm sứ, muỗng nĩa bạc và mặt trong ủy ban quản trị Ẩm thực Mỹ. Tôi làm nhiều việc khác không liên quan tới nghề Bếp. Tóm lại, Đầu bếp hiện đại ngày nay có cơ hội mở rộng hoạt động cả bên ngoài nhà bếp”.

Từ những thất bại và thành công của mình, từ những năm tháng không ngừng cống hiến cho nền ẩm thực thế giới, ông đúc kết rằng: “Nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thành công đó là chính kiên nhẫn. Không bao giờ bỏ cuộc. Dù bạn chọn bất cứ nghề gì, nếu bạn bỏ cuộc vì mối lo sợ thất bại, bạn sẽ chẳng bao giờ có được thành công. Tôi nghĩ sự kiên nhẫn là quan trọng nhất khi bạn làm bất cứ điều gì”.

Chefjob hy vọng rằng qua câu chuyện của Đầu bếp Thomas Keller, những ai đã đang và sẽ theo nghề đầu bếp sẽ có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi, chinh phục nghề nghiệp mình ước mơ.

Viết bình luận của bạn

Tags

Tin tức liên quan